Sau đập phá, hôi của: Ám ảnh nỗi lo thất nghiệp
Trước tình hình nhiều công ty có vốn Trung Quốc, Đài Loan ở Bình Dương bị đập phá, đốt cháy bởi nhóm người quá khích, nhiều công nhân tại đây đã tự làm băng rôn, biểu ngữ, đứng ở các giao lộ kêu gọi mọi người hãy đấu tranh hết sức bình tĩnh, đấu tranh trong ôn hòa.
Trong những ngày vừa qua, nhiều công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương tuần hành để phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lợi dụng việc công nhân tuần hành, hàng trăm đối tượng quá khích đã lao vào đập phá, đốt cháy các công ty có vốn đầu tư Trung Quốc, Đài Loan gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều nhà xưởng, ô tô, tài sản bị đập phá, đốt cháy, hôi của...
Lo lắng khi công ty ngưng hoạt động
Một số nhóm công nhân quá khích đập phá các công ty có vốn Trung Quốc, Đài Loan khiến nhiều công ty phải đóng cửa, ngưng hoạt động. Việc này cũng đồng nghĩa với hàng ngàn công nhân phải nghỉ việc.
Nhiều công nhân in băng rôn, giấy kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh không nên đập phá, hủy hoại tài sản của các công ty Trung Quốc, Đài Loan.
Chị Nguyễn Thị Phấn (22 tuổi, công nhân tại KCN Sóng Thần) lo lắng nói: “Công ty bị các đối tượng quá khích đốt phá giờ đành ngưng hoạt động, không biết đến khi nào tôi và các đồng nghiệp mới được đi làm trở lại. Hành động đốt, đập phá công ty thế này chẳng khác gì tự phá hỏng công việc của mình. Rồi đây không đi làm thì lấy tiền đâu mà chi tiêu, sinh hoạt và gửi về cho gia đình. Một số công nhân không nghĩ tới điều đó nên đã có những hành động sai trái”.
Cũng theo chị Phấn, chị từ Thanh Hóa vào làm công nhân ở KCN Sóng Thần được gần 5 năm. Hằng tháng, ngoài tiền chi tiêu cá nhân, chị còn gửi tiền về quê cho bố mẹ và mấy em nhỏ ăn học. Giờ công ty ngưng hoạt động, chị không biết sống như thế nào.
Chị Hương, làm công nhân tại đây, mếu máo nói: “Ngày 15 tháng này công ty trả lương, giờ bị đập phá, cháy sạch như thế này thì lấy gì công ty trả. Việc các đối tượng quá khích đập phá, đốt các công ty chẳng khác gì tự đập nồi cơm của mình”.
Bạn của chị Hương cho biết: “Công ty ngưng hoạt động, chắc hai vợ chồng đưa con nhỏ về quê làm ăn chứ ở lại chờ không biết đến khi nào mới được đi làm trở lại, mà tiền lại không có”.
Ngoài các công ty có vốn Trung Quốc, Đài Loan, một số công ty Hàn Quốc cũng bị đập phá khiến các công nhân của công ty này điêu đứng.
Ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 14/5, trên tỉnh lộ ĐT 743 và một số tuyến đường lân cận, nhiều công nhân mang hành lý, đồ đạc, va ly đón xe để về quê. Một số công nhân đã dọn phòng trọ từ Bình Dương lên các KCN, KCX ở TP.HCM để chờ xin việc.
Một nam công nhân nói: “Công ty bị đốt phá, chưa biết khi nào hoạt động trở lại nên tranh thủ đón xe về quê phụ giúp gia đình, sau đó sẽ tính tiếp”.
Công nhân kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh
Anh Tuấn Phong, một công nhân làm việc tại KCN thuộc tỉnh Bình Dương, bức xúc: “Việc một số đối tượng quá khích dẫn công nhân đi đập phá, đốt nhà máy, xí nghiệp có vốn của Trung Quốc, Đài Loan để phản đối hành động Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép như vậy là không có ích. Chúng ta nên đấu tranh bằng mít tinh, tuần hành trong ôn hòa. Vì vậy, tôi cùng một số công nhân đã tự in ấn băng rôn, tờ rơi kêu gọi mọi người phải hết sức bình tĩnh để không mắc mưu những kẻ kích động”.
Từ sáng ngày 14/5 đến gần chiều tối, anh Phong đã cùng nhóm bạn giăng băng rôn tại ngã tư 550 ở KCN Sóng Thần với nội dung: “Biểu tình đúng cách, không đập phá tài sản, không lấy cắp tài sản”.
Công nhân thiết tha kêu gọi đấu tranh trong ôn hòa
Anh Phong cho biết: “Ban đầu, thấy các công nhân đi mít tinh tuần hành phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng tôi cũng nhiệt tình tham gia tuần hành trong ôn hòa. Nhưng đến trưa ngày 13/5 thì một số đối tượng quá khích trong đoàn mít tinh đã đập phá tài sản, nhà xưởng của các công ty có vốn đầu tư Trung Quốc, Đài Loan. Thấy việc mít tinh như vậy không có lợi cho đất nước nên chúng tôi ngừng tham gia và trở về nhà trọ. Trên đường về thấy công ty nơi chúng tôi làm việc đã bị các đối tượng kích động đập phá từ lúc nào không biết. Vì vậy, chúng tôi mới làm những tấm băng rôn này kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh, không để những kẻ xấu lợi dụng”.
Theo anh Phong, việc làm này của anh và nhóm bạn nhằm kêu gọi mọi người hãy hết sức bình tĩnh, phải đấu tranh trong ôn hòa. Anh Phong nói: “Trong lúc chúng tôi đứng giăng băng rôn thì có một số đối tượng vẻ mặt hung tợn đến đe dọa, mắng chửi nhưng chúng tôi không sợ, vì việc làm của chúng tôi là đúng, là thể hiện tình yêu nước và mong mọi người hãy bảo vệ các công ty, xí nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan vì họ không liên quan”.
Ngoài nhóm của anh Phong còn có hàng chục nhóm công nhân khác tự in băng rôn, tờ rơi đứng ở các ngã ba, ngã tư tại các KCN tỉnh Bình Dương nhằm kêu gọi mọi người đấu tranh hãy hết sức bình tĩnh, không nên phá hoại tài sản của các công ty Trung Quốc, Đài Loan, gây mất an ninh trật tự và vi phạm pháp luật.
Nhiều băng rôn có nội dung: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi Việt Nam", "Chúng ta đấu tranh vì biển đảo và chủ quyền của đất nước. Các bạn phải đấu tranh ôn hòa để tránh mắc bẫy của chúng", "Sức mạnh lớn nhất của chúng ta là đoàn kết dân tộc. Vì vậy anh em công nhân phải sáng suốt, bình tĩnh đấu tranh, không được đốt phá, không lấy đồ".
Cũng theo anh Phong, "chúng ta ai cũng yêu nước nhưng yêu nước phải bình tĩnh. Hãy tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bằng hành động văn minh và thái độ thân thiện. Nếu có người thân tham gia đập phá thì hãy gọi họ về, chờ đợi một cuộc mít tinh có tổ chức”.
0 nhận xét :